Một số phường múa rối nước ở Việt Nam Múa rối nước

Nghệ thuật rối nước là đặc phẩm văn hoá bản địa dân tộc Việt, phát triển ở hầu hết các làng xã quanh kinh thành Thăng Long như Đào Thục (Đào Xá) - Huyện Đông Anh, chùa Nành - Gia Lâm, Phường rối nước xã Thanh Hải - Thanh Hà - Hải Dương[8], Bảo Hà - Vĩnh Bảo - Hải Phòng và nhiều phường rối ở hầu hết các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Ngoài Nhà hát múa rối Trung ương và Nhà hát múa rối Thăng Long, cón có một số phường như Đào Thục, Tế Tiêu, Tràng Sơn, Bình Phú, Thạch Xá, Nguyên Xá và Nam Chấn[3].

Đặc biệt, trong những địa phương này, nổi bật có rối Thẩm Rộc của đồng bào Tày ở huyện Định Hoá, Thái Nguyên. Từ 13 đời nay, nghề rối được dòng họ Ma Quang gìn giữ. Dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng nghề vẫn được truyền đến ngày nay. Múa rối Thẩm Rộc thuộc loại hình rối que, thông thường phường rối có 12 thành viên gồm người điều khiển, người chơi nhạc và một số người giúp. Cách điều khiển con rối ở phường rối Thẩm Rộc cũng có cách khác với các phường rối khác. Ngoài một số con rối dùng dây giật, cầm trên tay điều khiển, phần lớn các con rối được điều khiển qua các que tre[3].

Năm 1992, Nhà hát Múa rối Thăng Long tại Hà Nội phục hồi 17 trò rối nước làm sống dậy trò rối nước trên toàn quốc gồm 17 trò: Bật cờ, Chú Tễu, Múa rồng, Em bé chăn trâu, Cày cấy, Cậu ếch, Bắt vịt, Đánh cá, Vinh quy bái tổ, Múa sư tử, Múa phượng, Lê Lợi trả gươm, Nhi đồng vui chơi, Đua thuyền, Múa lân, Múa tiên, Tứ linh.

Tại thành phố Hồ Chí Minh có sân khấu múa rối nước Rồng Vàng.

Múa rối nước ở Hải Dương

Ở Hải Dương có ba phường múa rối nước được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại: xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà; xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc; xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang.[8][9][10]

Múa rối nước Đào Thục

Rối nước Đào Thục là môn rối nước có xuất xứ tại làng Đào Thục, xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Vào thời Hậu Lê làng Đào Thục có Ông Đào Đăng Khiêm (Tự Phúc Khiêm) tên thật là Nguyễn Đăng Vinh quê ở Đào Xá, huyện Yên Phong, Bắc Ninh nay là Đào Thục, xã Thụy lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Sau khi đỗ đạt Thám Hoa (Tiến sĩ) rồi làm quan Nội giám thời vua Lê Hy Tông, được nhà vua yêu mến ban cho nghệ thuật múa rối nước đem về quê hương xây dựng làng Đào Xá cùng với tâm huyết của mình. Vì có công lớn nên dân làng đã viết đơn đề nghị triều đình Hậu Lê phong thần lập bia đá năm 1735 (thời Lê Ý Tông).

Rối nước Đào Thục có màn đốt pháo bật cờ khai mạc và dùng nhân vật Ba Khí giáo trò (Ba khí là đại diện chung cho cả hình ảnh người nông dân Bắc Bộ và anh Ba Khía Miền Nam) đại diện cho cái "khí phách" của người Việt chứ không chỉ là chú Tễu - anh nông dân đồng bằng Bắc Bộ từ xa xưa như các phường rối khác (theo lời Nghệ nhân Nguyễn Thế Nghị).

Múa rối nước Đồng Ngư

Hiện nay chưa có tài liệu nào ghi chép về thời gian ra đời của trò múa rối nước làng Đồng Ngư, xã Ngũ Thái[11]. Trước năm 1945, phường múa rối nước làng Đồng Ngư chủ yếu biểu diễn phục vụ nhân dân trong làng vào những dịp nông nhàn, hội hè, đình đám và đi biểu diễn giao lưu với các phường rối bạn. Sau Cách mạng Tháng Tám, trò múa rối nước mai một dần[12].

Năm 1986, được sự giúp đỡ của Viện Văn hóa, chính quyền địa phương, Phường rối nước Đồng Ngư được thành lập với sự tham gia của 40 nghệ nhân tâm huyết với nghề[12].

Năm 2012, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn múa rối nước của làng Đồng Ngư, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia[12].

Múa rối nước làng Ra

Thủy Đình làng Ra được xây dựng lại từ năm 1992, đối diện đình làng. Vào hội chùa Thầy hằng năm (7/3 âm lịch), phường rối làng Ra vẫn biểu diễn độc quyền tại thủy đình giữa hồ Long Trì.

Tại làng Ra, mỗi khi hội làng (tháng 7 âm lịch) đến, các nghệ nhân lại biểu diễn cho nhân dân trong thôn cùng xem. Sau chiến tranh, từ năm 1977, rối nước đã được các nghệ nhân phục hồi trở lại.

Từ năm 1977 đến những năm 2000, rối nước Làng Ra ngày càng phát triển mạnh mẽ. Mỗi năm đều có hàng chục tour du lịch, khách tham quan có cả trong và ngoài nước. Các nghệ nhân liên tục được đi biểu diễn ở các nơi trên cả nước: Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, các liên hoan múa rối, Festival,...Ngoài ra, phường còn được đi biểu diễn ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới: Italia, Áo, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan... đưa hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.[13]

Nhưng hiện nay múa rối nước đang dần mai một, khách tham quan tới làng Ra cũng không còn, các chuyến đi biểu diễn cũng dần ít đi.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Múa rối nước http://www.vietnampuppetry.com/index.php/2/84/N%C3... http://dacsanhathanh.vn/xem/xem/mua-roi-nuoc.html http://review.siu.edu.vn/vi-VN/van-hoc-nghe-thuat/... http://voer.edu.vn/module/khoa-hoc-va-cong-nghe/mu... http://thuanthanh.bacninh.gov.vn/lich-su-van-hoa/d... http://dsvhpvt.dsvh.gov.vn/HeritageNationalDetail.... http://www.dsvh.gov.vn/pages/news/preview.aspx?n=6... http://vhttdlkv3.gov.vn/Chuyen-de/Mua-roi-nuoc-ngh... http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/Preview/PrintPre... http://toquoc.vn/mua-roi-nuoc-dan-gian-cac-giai-ph...